Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Chăm Phong Lan khi mùa Đông tới

Mấy hôm nay các đài truyền hình loan báo thời tiết sẽ lạnh xuống và cảnh báo những vùng xa bờ biển ban đêm có thể lạnh tới mức đông đá (32°F hay 0°C). Phần lớn những cây lan đều mọc mạnh trong nhiệt độ từ 55-80°F (12.8-26.7°C). Nếu nhiệt độ xuống dưới 55°F (12.8°C), nhựa cây sẽ bị đặc lại và không lưu chuyển dễ dàng làm cho cây không phát triển. Vì vậy chúng ta cần phải biết loài lan nào chịu được nóng lạnh ra sao. Người ta chia ra 3 lọại nhiệt độ nuôi trồng như sau:


Thấp nhấtCao nhấtLoại lan
C = Cool - Lạnh40-50°F
(4.4-10°C)
Dưới 80°F
(26.7°C)
Paphiopedilum
I = Intermediate - Vừa55-65°F
(12.8-18.3°C)
Dưới 85°F
(29.4°C)
Phalaenopsis, Cattleya
W = Warm - Ấm60-65°F
(15.6-18.3°C)
Dưới 100°F
(37.8°C)
Vanda, Dendrobium

Trên đây chỉ là nhiệt độ lý tưởng, thực ra lan có thể chịu lạnh hay nóng hơn một vài giờ mà không sao cả, nhưng không thể chịu lâu dài được. Nhưng cũng có những loài lan chịu được cả nóng lẫn lạnh như Cymbidium, Dendrobium Australia v.v...

Từ tháng 11 chúng tôi đã chuẩn bị cho mùa Đông tới, bắt đầu bằng việc phun thuốc sát trùng để phòng ngừa sâu bệnh và ghi nhớ cây nào thuộc vào loại Warm để mang vào trong nhà. Sẵn có chiếc cửa sổ phía Đông Nam nhiều ánh sáng ở ngoài phòng khách và chiếc bồn tắm trong phòng ngủ, bỏ không từ lâu chẳng ai dùng tới, chỉ cần thêm đèn sẽ là nơi lánh nạn an toàn nhất cho những cây lan yêu quý.

ChuanBiChoMuaDongToi1ChuanBiChoMuaDongToi2

Gần sát cửa sổ ngoài phòng khách, chiếc giá để cây có khay nước tăng cường độ ẩm đã dầy đặc những cây từ tháng 10. Đó là những cây Christensonia vietnamica, Renanthera citrina, Holcoglossum kimballianum của đất nước thân yêu và những cây Dendrobium wassellii, Sophronotis cernua, Dracula lotax và cây Holcoglossum wangii đã nở được 2 dò ngắn ngủi với 4 hoa khá lớn do cô Phạm Hảo tặng cho.

ChuanBiChoMuaDongToi3ChuanBiChoMuaDongToi4

Để tăng thêm ánh sáng, chiếc đèn 2 ống LED 4 ft, loại T8-5000 K gắn trên trần nhà, tự động thắp sáng từ 7 giờ sáng tới 6 giờ chiều, nhiệt độ ban ngày giữ ở khoảng 71°F (21.6°C), ban đêm 55-60°F (12.8-15.6°C) và độ ẩm trung bình 50-60% đã làm cho cây mọc mạnh với những chiếc lá xanh tốt và đầu rễ mọc dài tới 2-3 phân.

ChuanBiChoMuaDongToi5ChuanBiChoMuaDongToi6

Để tránh cho cây lan khỏi bị thui chột vì khí hậu lạnh lẽo, những cây được lần lượt mang vào trong nhà bắt đầu với những cây đang có nụ như cây Phaius Queen Lilian, Renanthera storei, Arachnis flos-aeris v.v...

ChuanBiChoMuaDongToi7ChuanBiChoMuaDongToi8ChuanBiChoMuaDongToi9

Sau đó là những cây mới bắt đầu nhú nụ hay lá đã chuyển mầu vàng chuẩn bị ra hoa vào mùa Xuân tới và những cây thường mọc ở các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Thái lan như Den. pendulum, Den. goldschmidtianum, Den. findlayanum, Den. aduncum v.v...

ChuanBiChoMuaDongToi10ChuanBiChoMuaDongToi11
ChuanBiChoMuaDongToi12

Còn những cây khác đã quen chịu lạnh hoặc quá lớn hay không còn đủ chỗ để mang vào trong nhà như Vanda tricolor, Mokara blue, Stanhopea tigrina v.v... đành phải lấy bao nylon chụp lại và hy vọng chúng sẽ thoát hiểm. Nhưng nếu bạn có nhà để xe, hay phòng trống hãy mang những cây Cattleya, Dendrobium, Oncidium vào để bảo vệ những cây lan thân thương mà chúng ta coi như con đẻ đã nuôi duỡng từ bao nhiêu năm qua.

Sưu tầm

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Quy trình kỹ thuật sản xuất hoa lan Hồ Điệp (Phalaenopsis) theo quy mô công nghiệp tại phía Bắc Việt Nam

PHẦN I: THÔNG TIN CHUNG
1. Nhóm tác giả: ThS. Nguyễn Văn Tỉnh, TS. Đặng Văn Đông, ThS. Đinh Thị Dinh, TS. Trịnh Khắc Quang và cộng sự
2. Cơ quan tác giả: Viện Nghiên cứu Rau quả - Viện KHNN Việt Nam.
3. Nguồn gốc xuất xứ:
Từ kết quả dự án “Hoàn thiện quy trình nhân giống và sản xuất một số giống lan hồ điệp ở quy mô công nghiệp”.
4. Phạm vi áp dụng:
Cho các tỉnh phía Bắc.
5. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia sản xuất hoa lan hồ điệp.

PHẦN II: QUY TRÌNH KỸ THUẬT
I. CÁC GIỐNG TRỒNG HIỆN NAY
            Hiện nay ở Việt Nam thường trồng phổ biến một số giống hoa lan Hồ điệp sau:
            - Giống hoa to: đường kính hoa 10 – 15 cm, có 8 – 12 bông hoa/cành, bao gồm các giống: Trắng lưỡi đỏ, mười giờ, V3, V31, đỏ, phấn hồng...
            - Giống hoa trung bình: đường kính hoa 5 – 9 cm, có 10 – 15 bông hoa/cành, bao gồm các giống: hoàng hậu, vàng, trắng chấm đỏ, kẻ vân tím, đốm ngọc trai...
            - Giống hoa mini: đường kính hoa 2 – 4 cm, có 20 – 50 bông hoa/cành, bao gồm các giống: Mãn Thiên Hồng, trắng mini, vàng mini...
            Các giống lan trên được nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.
II. CHUẨN BỊ NHÀ LƯỚI, VẬT TƯ
2.1. Chuẩn bị nhà lưới
Nhà lưới để sản xuất hoa lan hồ điệp theo quy mô công nghiệp phải có diện tích tối thiểu 360m2, có thể trồng được 10.000 cây thương phẩm (chiều dài nhà lưới tối đa là 40 m để tăng hiệu quả sử dụng các thiết).
Nhà lưới được trang bị hệ thống lưới cắt nắng, hệ thống thông gió, hệ thống tản nhiệt cưỡng bức bằng tấm tản nhiệt, hệ thống quạt đối lưu, hệ thống rèm che mái, hệ thống rèm che hai bên sườn, hệ thống tăng nhiệt...
Thiết bị điều tiết nhiệt độ gồm thiết bị tăng nhiệt (hệ thống tăng nhiệt bằng hơi nóng), thiết bị hạ nhiệt (hệ thống quạt hút gió và tấm làm mát) và hệ thống quạt đảo gió, nếu có điều kiện có thể dùng máy điều hòa nhiệt độ 2 chiều, nhiệt độ có thể khống chế trong phạm vi trên 180C trong vụ đông, xuân và dưới 310C trong vụ hè, thu. Nhiệt độ trong nhà lưới có thể tăng hoặc giảm tới 7 – 100C so với nhiệt độ bên ngoài.
Hệ thống điều khiển cường độ ánh sáng bằng lưới cản quang, cường độ ánh sáng có thể điều chỉnh đảm bảo < 20.000Lux.
2.2. Chuẩn bị giá thể
Sử dụng giá thể là dớn (rêu) đã được tẩy trắng và phơi khô. Trước khi trồng cần xử lý bằng dung dịch vi sinh vật hữu hiệu EM với nồng độ 1ml/lít.
2.3. Chuẩn bị dụng cụ và chậu nuôi
Chậu dùng trồng Lan Hồ điệp phải là chậu màu trắng trong để cho rễ quang hợp và phát triển thuận lợi.
Cây con mới ra ngôi dùng chậu 1.5 (kích thước 5 x 5 cm), sau 4 tháng cây nhỡ chuyển sang chậu 2.5 (kích thước 8,3 x 8,3 cm), sau 12 tháng cây lớn đổi sang chậu 3.5 (kích thước 12 x 12 cm).
Ngoài ra cần chuẩn bị khay để cây, cần 3 loại khay: khay để cây nhỏ (chậu 1.5): 40 cây/1 khay, khay để cây nhỡ (chậu 2.5): 12 cây/1 khay, khay để cây lớn (chậu 3.5): 8 cây/1 khay.
III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
3.1. Giai đoạn cây con (từ ra ngôi đến 4 tháng tuổi)
Cây con sau khi ra ngôi, dùng giá thể bao bọc xung quanh rễ rồi trồng trong chậu 1.5, độ chặt của giá thể vừa phải, mặt trên của giá thể cách miệng chậu 0,5 cm, định mức 1 kg giá thể khô trồng được 200 cây.
Tưới nước: giai đoạn đầu (4 tuần kể từ sau ra ngôi) chỉ cần tưới nhẹ trên bề mặt lá, khi thấy đỉnh rễ xuất hiện ở vách chậu và lá mới xuất hiện thì lượng nước tưới lớn hơn từ 1/3 – 1/2 chậu trong thời gian khoảng 8 tuần, đến khi cây có 2 – 2,5 lá mới và rễ phát triển xuống đáy chậu thì tưới với lượng nước 1/2 - 100% chậu.
Cường độ ánh sáng trong 4 tuần đầu khống chế ở 5.000 lux, sau đó tăng dần, tối đa 8.000 lux sau 4 tháng. Nhiệt độ tốt nhất ở khoảng 25 – 310C.
Sử dụng phân bón HT-Orchid (N-P205-K20+TE = 30-10-10+TE), pha với tỷ lệ 3 gam/10 lít nước, phun và tưới định kỳ 7 – 10 ngày 1 lần.
3.2. Giai đoạn thay chậu lần 1 (từ 4 tháng tuổi đến 8 – 9 tháng tuổi)
Cây con trồng trong chậu 1.5, sau 4 tháng, khoảng cách giữa 2 đầu mút lá khoảng 12 - 15cm, cần tiến hành thay chậu lần thứ nhất là chậu 2.5.
Cách thay chậu: lấy cây con (bao gồm cả giá thể) ra khỏi bầu, dùng giá thể bọc kín rễ rồi đặt nhẹ vào chậu nhựa 2.5, đảm bảo bầu không được chặt và cũng không lỏng quá để thoát nước tốt, giá thể cách mép trên của chậu khoảng 1 cm, mặt bầu phẳng, không gồ ghề, định mức 1 kg giá thể khô trồng được 90 cây
Tưới nước: tương tự như cách tưới ở trên, giai đoạn đầu (4 tuần kể từ sau khi đổi bầu) chỉ cần tưới nhẹ trên bề mặt lá, khi thấy đỉnh rễ xuất hiện ở vách chậu và có lá mới xuất hiện thì lượng nước tưới lớn hơn từ 1/3 – 1/2 chậu trong thời gian khoảng 10 tuần, đến khi cây có 2 – 2,5 lá mới và rễ phát triển xuống đáy chậu thì tưới với lượng nước 1/2 - 100% chậu.
Cường độ ánh sáng trong 4 tuần đầu thay chậu duy trì ở 7.000 lux, sau đó tăng dần, tối đa 12.000 lux sau 8 – 9 tháng, nhiệt độ từ 25 – 31oC.
Sử dụng phân bón HT-Orchid (N-P205-K20+TE = 20-20-20+TE) với tỷ lệ 4 gam/10 lít nước, phun và tưới định kỳ 5 - 7 ngày 1 lần.
3.3. Giai đoạn thay chậu lần 2 (cây 8 - 9 tháng tuổi)
Cây con trồng trong chậu 2.5, sau 4 – 5 tháng, khoảng cách giữa 2 đầu mút lá khoảng 18 - 20cm, cần tiến hành thay chậu lần thứ hai là chậu 3.5.
Cách thay chậu: tương tự như cách thay chậu lần thứ nhất, đảm bảo giá thể vừa phải, giá thể cách mép trên của chậu khoảng 1 cm, định mức 1 kg giá thể khô trồng được 45 cây.
Tưới nước: tưới tương tự như giai đoạn thay chậu lần thứ nhất.
Cường độ ánh sáng trong 4 tuần đầu thay chậu duy trì ở 10.000 lux, sau đó tăng dần và đạt tối đa 20.000 lux sau 4 – 5 tháng, nhiệt độ từ 25 – 31oC.
Sử dụng phân bón HT-Orchid (20-20-20+TE) với tỷ lệ 4 gam/10 lít nước, phun và tưới định kỳ 5 - 7 ngày 1 lần.
IV. XỬ LÝ PHÂN HÓA MẦM HOA
Cây lan trồng trong bầu 3.5 được 4 -5 tháng, khoảng cách giữa 2 đầu mút lá khoảng 25 - 30 cm, rễ ra đều xung quanh bầu là đủ tiêu chuẩn đưa vào xử lý phân hóa mầm hoa (thời gian từ khi ra ngôi đến khi đủ tiêu chuẩn đưa vào xử lý phân hóa mầm hoa là 18–20 tháng tuổi, để có hoa nở vào Tết thì cần ra ngôi cây từ tháng 1–2 năm trước).
Lan Hồ điệp thường ra hoa tự nhiên từ tháng 3 đến tháng 5, đa số các giống không ra hoa vào dịp Tết nguyên đán. Muốn có hoa vào dịp Tết cần phải xử lý điều khiển ra hoa. Có 2 cách xử lý phân hóa mầm hoa:
4.1. Cách 1: Xử lý nhân tạo
- Điều kiện xử lý: nhà lưới hiện đại có các thiết bị có thể điều khiển được nhiệt độ, ánh sáng.
- Thời gian bắt đầu xử lý 1/8 (âm lịch), khi xuất hiện mầm hoa được 3 – 5 cm (khoảng 45 – 50 ngày) thì dừng lại.
- Chế độ nhiệt độ: Duy trì điều kiện nhiệt độ ban ngày 230C – 240C (12 tiếng), ban đêm 150C - 160C (12 tiếng).
- Chế độ ánh sáng: Cường độ ánh sáng ban ngày 20.000 – 25.000lux trong thời gian 6 – 8 tiếng/ngày.
- Phân bón: sử dụng loại phân HT-Orchid (9-45-15+TE), pha với tỷ lệ 4gam/10 lít nước, phun và tưới trước khi đưa vào xử lý 10 ngày và định kỳ 5 - 7 ngày 1 lần trong suốt quá trình xử lý. Bên cạnh đó bổ xung thêm B1 với tỷ lệ 2,5ml/10 lít nước, 5 – 7 ngày phun 1 lần.
4.2. Cách 2: Xử lý trong điều kiện tự nhiên
            - Điều kiện nơi xử lý: Chọn những nơi có điều kiện sinh thái mát mẻ (nhiệt độ ban đêm 15 - 180C, nhiệt độ ban ngày 23 – 250C, độ ẩm 75 – 80%, độ cao so với mặt biển >700 m), có số giờ chiếu sáng từ 6 – 10 tiếng/ngày với cường độ ánh sáng trên 20.000 lux, đường giao thông thuận lợi, địa hình bằng phẳng (ví dụ Mộc Châu – Sơn La, SaPa – Lào Cai…).
            - Chuẩn bị nhà che: Làm nhà che kiên cố hoặc nhà che tạm đảm bảo được tránh mưa, nắng trực tiếp, có giàn để cây. Làm hướng nhà và giàn che theo hướng Bắc – Nam để tận dụng được nhiều ánh sáng mặt trời.  
- Thời gian bắt đầu xử lý 1/8 (âm lịch), khi xuất hiện mầm hoa được 3 – 5 cm (khoảng 45 – 50 ngày) thì dừng lại và chuyển sang giai đoạn chăm sóc mầm hoa.
- Chế độ ánh sáng: Cường độ ánh sáng ban ngày 20.000 – 25.000lux, trong khoảng 6 – 8 tiếng/ngày, có thể điều chỉnh bằng việc kéo và thu lưới đen.
- Bón phân: sử dụng loại phân HT-Orchid (9-45-15+TE), pha với tỷ lệ 4gam/10 lít nước, phun và tưới trước khi đưa vào xử lý 10 ngày và định kỳ 5 - 7 ngày 1 lần trong suốt quá trình xử lý. Bên cạnh đó bổ xung thêm B1 với tỷ lệ 2,5ml/10 lít nước, 5 – 7 ngày phun 1 lần.
- Các kỹ thuật khác: trường hợp nhiệt độ trong quá trình xử lý lớn hơn 250C thì phải có biện pháp làm giảm: cuộn nilon hai bên sườn nhà lưới lên, che lưới đen. Nếu nhiệt độ thấp hơn 150C cần hạ nilon hai bên sườn nhà lưới xuống và thắp bóng điện hoặc dùng hơi nóng từ nước hay lò đốt than để tăng nhiệt độ.
V. CHĂM SÓC GIAI ĐOẠN SAU PHÂN HÓA MẦM HOA
5.1. Điều khiển chế độ nhiệt độ, ánh sáng
Chế độ nhiệt thích hợp nhất cho sự sinh trưởng giai đoạn sau phân hóa mầm hoa là 18 – 250C. Trong điều kiện tự nhiên miền Bắc Việt Nam rất khó đạt được yêu cầu trên, vì vậy cần đưa cây sau phân hóa mầm hoa vào điều kiện nhà lưới có các thiết bị điều khiển nhiệt độ để đảm bào chất lượng hoa thương phẩm.
Ví dụ điều khiển nhiệt độ trong nhà lưới có diện tích 500 m2 như sau:
Nhiệt độ ngoài trời (0C)
Phương pháp điều chỉnh để đạt nhiệt độ 18 – 250C
12 - 20
Đóng lưới nilon xung quanh nhà lưới xuống, cho 3 đường ống thổi hơi nóng vào
20 - 30
Đóng lưới nilon xung quanh nhà lưới xuống, cho 1 quạt hoạt động, không mở nước ở tấm làm mát
> 30
Đóng lưới nilon xung quanh, chạy 3 quạt, mở nước tấm làm mát, che lưới đen
Khi nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong nhà lưới phù hợp ở ngưỡng từ 18 – 250C thì mở nilon xung quanh nhà lưới, các thiết bị sưởi ấm và làm mát không cần hoạt động.
Cường độ ánh sáng 20.000 – 25.000lux, trong thời gian 6 – 8 tiếng/ngày.
Cây lan Hồ điệp sau khi đã được xử lý phân hoá mầm hoa, thời gian từ khi xuất hiện mầm hoa đến khi hoa đầu tiên nở là 110 - 115 ngày, căn cứ vào đó để điều khiển sinh trưởng nở hoa vào đúng dịp Tết.
5.2. Bón phân
            Loại phân thích hợp nhất cho lan Hồ điệp giai đoạn sau phân hoá mầm hoa là HT-Orchid (10 – 20 – 20+TE), với liều lượng 4gam/10 lít nước, cách 5 - 7 ngày phun 1 lần.
5.3. Tưới nước
Thường xuyên kiểm tra độ ẩm giá thể, không nên để giá thể khô quá hoặc ướt quá, tưới vào lúc sau 10h sáng và trước 3h chiều, nếu điều kiện cho phép sau khi tưới nước nên để cho cây được thoáng khí thông gió, để cho nước đọng trên mặt lá bị bay hơi hết, giảm sự phát sinh của bệnh hại. Sử dụng nước tưới sạch, nước được lọc có pH từ 6 – 6,5, EC từ 0,03 đến 0,1.
5.4. Quản lý kỹ thuật vườn lan
Khi sản xuất hoa lan Hồ điệp theo quy mô công nghiệp cần có biện pháp sắp xếp chiều cao mầm hoa theo thứ tự tăng dần theo chiều dài nhà lưới (mầm hoa thấp để gần quạt hút gió và chiều cao mầm tăng dần về phía tấm làm mát) để khi thu hoạch sẽ cho sản phẩm hoa lan nở đồng đều nhau.
Khi cành hoa dài 15 – 20cm, cần dùng que thép và kẹp để cố định mầm hoa cho mọc thẳng ngay từ gốc. Khi cành hoa dài 30 – 40cm sẽ xuất hiện nụ, khi cành dài 60 – 70cm hoa bắt đầu nở (lúc đó cách thời điểm phân hoá mầm hoa khoảng 110 - 115 ngày).

VI. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI CHÍNH

6.1. Bệnh do nấm
6.1.1. Bệnh thán thư (Collectotrichium sp)
- Triệu chứng: Vết bệnh có màu nâu đen, màu xám nhạt, hình trứng hoặc hình không quy cách, bệnh gây hại ở lá già và lá bánh tẻ làm cây sinh trưởng kém.
- Nguyên nhân: do nấm Collectotrichium sp
- Phòng trừ:
+ Kịp thời ngắt bỏ lá già, lá khô, lá bị thối nát, bị rét hại và bị cháy do nhiệt độ cao để loại bỏ nguồn bệnh.
+ Khi cây bị bệnh cần dùng dụng cụ đã được khử trùng cắt bỏ chỗ có bệnh, bôi thuốc sát khuẩn vào vết thương. Nếu bệnh nặng thì loại bỏ cả cây.
+ Phun định kỳ thuốc phòng bệnh: Boocdo 1%, Topsin 5 – 10 ml/10 lít.
6.1.2. Bệnh thối đen (Phytophthorapalmivora)
- Triệu chứng: Khi bệnh phát sinh sẽ làm cho rễ, thân bị thối, đổ cây và có thể tác hại huỷ diệt cả cây.
- Nguyên nhân: do nấm Phytophthorapalmivora
- Phòng trừ:
+ Làm cho nhà vườn thông gió tốt
+ Giữ không để cho cây bị tổn thương, bị xây sát, nhất là khi thay chậu. Nếu có vết thương phải khử trùng ngay.
+ Khi có bệnh phát sinh phải khống chế nước nghiêm ngặt, không để cho cây bị ướt.
+ Khi cây trưởng thành bị bệnh ở lá cần dùng kéo được khử trùng cắt bỏ lá bị bệnh, bôi thuốc vào vết cắt như dung dịch Natri phenol. Nếu bệnh nặng thì huỷ bỏ cả cây.
+ Dùng thuốc: Score 250EC 7-10ml/bình 8 lít, Rhidomil Gold 68%WP 25g/bình 10 lít, Daconil 10ml/bình 8 lít.
6.2. Bệnh do vi khuẩn
6.2.1. Bệnh thối nhũn(Pseudomonas gadioli)
- Triệu chứng: Ở nơi bị bệnh, biểu bì và thịt lá rời nhau ra, khi bị lực tác động (tưới nước, bón phân) rất dễ rách.
- Nguyên nhân: do vi khuẩn Pseudomonas gadioli, bệnh phát triển mạnh nhất từ tháng 4 đến tháng 7, khi nhiệt độ và ẩm độ cao.
- Phòng trừ:
+ Đảm bảo nguồn nước tưới sạch, không có vi khuẩn gây bệnh
+ Không nên đặt chậu dầy đặc, cần có khoảng cách hợp lý, bón đạm vừa đủ và đảm bảo đủ ánh sáng cho vườn để tăng sức đề kháng cho cây.
+ Tăng độ thông thoáng của vườn, giảm độ ẩm, nhiệt độ, sau khi tưới nước không để nước đọng trên lá.
+ Tiêu huỷ ngay cây bị bệnh, khử trùng khay và giàn để cây.
+ Phun thuốc kháng sinh: 1g Streptomicin + 1g Tetracyclin hoà trong 1,5 lít nước. Ngừng tưới khi xử lý bệnh 1 ngày.
6.3. Sâu hại
6.3.1. Rệp, rệp sáp
- Triệu chứng: lá bị hại nặng, bị vàng khô héo và rụng.
- Phòng trừ:
+ Khi mới phát sinh dùng vải ướt lau, loại bỏ trứng sâu hoặc cắt bỏ chỗ lá bị gây hại.
+ Phòng trừ bằng sinh vật. Bọ nhảy là thiên địch của rệp
+ Dùng tấm bìa màu vàng dẫn dụ rồi diệt rệp
+ Dùng thuốc phun: Supracide hoặc Polytrin với lượng 10ml/10 lít nước.
6.3.2. Nhện hại
- Triệu chứng: Chủ yếu là nhện đỏ, nhện vàng. Khi bị nặng làm cho lá bị cháy vàng lõm xuống héo đi và biến dạng, cuối cùng làm cho lá vàng khô và rụng.
- Phòng trừ:
+ Dùng nước xà phòng phun lên lá tạo thành một màng mỏng có thể phòng và hạn chế nhện ký sinh
+ Dùng thuốc: Aramite 15% 15g/10 lít nước, Kelthane 2% 15g/10 lít nước, Brightin 10ml/10 lít nước.
VII. THU HOẠCH, ĐÓNG GÓI VÀ VẬN CHUYỂN
            Khi cây có từ 1 – 3 nụ nở là lúc có thể tiêu thụ. Khi đóng thùng cần phải bao gói từng cành bằng giấy mềm rồi xếp nằm, lần lượt theo chiều của cành hoa vào thùng carton và lấy dây buộc hoặc băng dính cố định chậu hoa vào cạnh thùng. Trong quá trình vận chuyển cần đảm bảo điều kiện mát và đủ thoáng cho cây, nếu trong xe lạnh để ở nhiệt độ từ 15 – 200C và thời gian trong thùng không quá 4 ngày để tránh thui, rụng nụ hoa.

Theo TT Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả)

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Lan Dã Hạc - Phi Diệp Dendrobium anosmum

Lan Phi Diệp còn có tên gọi khác như Hoàng thảo đùi gà, Hoàng thảo cẳng gà, Hoàng thảo dẹt, Huỳnh thảo, Co vàng sào (Thái), lan Phi điệp, Phi điệp kép. Cây được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là Thạch hộc hay Kẹp thảo.
Đây là một giống phong lan thông thường thân cao chừng 40-60 cm có khi tới 2 m, có giống rụng lá vào mùa Thu và có giống xanh tốt quanh năm. Hoa có nhiều mầu, phần đông tím trắng, nhạt hay thẫm. Hoa mọc ở các đốt gần ngọn 2-4 chiếc to khoảng 7 cm lâu tàn và thơm. Một khóm lan có thể có tới 100 hoa là chuyện thường.

Có thể nói giống lan này thường được trồng nhiều nhất vì nó tương đối dễ trồng, khả năng chịu nóng, lạnh tương dối tốt. Cây dễ trồng và cho nhiều hoa, hoa của phi diệp to, từ khảng 3- 5cm, hương thơm nồng nàn.


Cách trồng:

Ánh sáng
Lan cần nhiều ánh sáng gần như có thể để ở ngoài trời, nhưng cần phải có lưới che phòng khi lá non bị cháy nắng. Khi thấy cây quặt quẹo, đó là dấu hiệu thiếu nắng. Hãy đưa cây ra chỗ có nhiều nắng hơn. Nhất là vào mùa đông, nếu thiếu nắng cây khó lòng ra hoa.

Nhiệt độ
Lan cần nuôi trong nhiệt độ từ 40-80°F hay 8-25°C. Tuy nhiên lan có thể chịu nóng tới 100°F hay 38°C và có thể chịu lạnh tới 38°F hay 3.3°C. Ngoài ra nếu vào mùa đông không lạnh dưới 50°F hay 15.6°C trong vòng 4-6 tuần lan sẽ khó lòng ra nụ.

Ẩm độ và thoáng gió
Lan mọc mạnh nếu ẩm độ cần phải từ 60-70%. Nếu quá thấp cây non sẽ không lớn được và bị teo đi.

Cây cũng không mọc mạnh nếu không thoáng gió và trong thời kỳ lan ra nụ nếu không thoáng gió nụ sẽ ít đi.

Vật liệu trồng
Nên trồng với những vật liệu lâu mục và dễ thoát nước như vỏ thông, vỏ dừa, đá v.v...

Chậu

Lan ưa trồng trong chậu chật hẹp cho nên đừng dùng chậu quá lớn.

Tưới nước
Vào mùa hè khi lan ra mầm non và mọc mạnh, tưới 2-3 lần một tuần. Vào mùa thu, khi cây đã ngừng tăng trưởng, nên tưới nước thưa đi. Mỗi tuần chỉ cần tưới 1 lần cho thân cây khỏi bị teo lại. Vào mùa đông, đây là thời gian lan chuẩn bị để ra hoa, ngưng hẳn việc tưới nước. Nếu ẩm độ quá thấp nên phun sương mỗi tháng 1-2 lần.

Bón phân
Lan không ưa phân bón có nhiễu chất Nitrogen cho nên bón với phân 15-15-15 cho đến tháng 9, từ tháng 9-10 và 11 bón với phân 10-30-10. Từ tháng 12 cho đến hết tháng giêng ngưng hẳn việc bón phân. Nếu tiếp tục bón hoặc phân bón có nhiều chất Nitrogen quá, cây sẽ ra cây con (keiki) thay vì ra nụ.

Thay chậu, tách nhánh
Thời gian thay chậu thuận tiện nhất là vào mùa xuân, khi cây non đã mọc cao chừng 10-15 cm. Nếu muốn tách nhánh, cây phải có chừng 7-8 cành. Nếu chỉ có 4-5 cành, cây non mới mọc sẽ yếu ớt và không ra hoa. Hiện nay trên thương trường có rất nhiều cây Dendrobium lai giống từ cây Den. nobile như Den. nobile Yamamoto, Den. Oriental Smile &#039;Fantasy&#039;, Den. Fancy Angel &#039;Lycee&#039;, Den. Spring Dream &#039;Apollon&#039; v.v...

Những cây lan lai giống này được thừa hưởng các đặc tính của cây Den. nobile là dễ trồng, nhiều hoa và chịu được lạnh.
Sưu tầm

Hoa giống như bướm – Lan hồ điệp

Phalaenopis do Blum đặt tên, có nguồn gốc chữ Hy lạp : Phalaina là con bướm , opsis là giống như. Có nghĩa là hoa của chúng giống như con bướm, vì vậy mà được gọi là Hồ Điệp

Phalaenopis  có nguồn gốc ở Đông Nam Á và Úc châu. Mọc ở độc cao 200-400m, khí hậu ẩm, nhiệt độ từ 20oC -35oC

Cây đơn thân nhưng rất ngắn, có ít lá mọc khít nhau nên không thấy lóng. Lá tương đối dày mập, thường rộng ở phần trên, hẹp dần bên dưới. Phát hoa ở nách lá, thòng hay đứng, có thể phân nhánh. Hoa nhỏ hay khá to, mỗi hoa bền gần 2 tháng, đầu cành hoa vẫn có thể tiếp tục tạo ra hoa theo từng đợt kế tiếp nhau, vì vậy cả cành hoa nở liên tiếp hơn nữa năm. Lá đài và cánh hoa gần như nhau, đôi khi cánh hoa hơi lớn hơn, nhưng đáng chú ý là môi. Môi gắn vào chân của trụ và có cựa ở đáy, 3 thùy với phụ bộ hay cục u ở đáy thùy giữa hay thùy bên. Một trong những phụ bộ ấy là 2 sợi râu của môi hay 2 phiến nhỏ dựng đứng ở thùy môi. Trụ tương đối dài và nhỏ, 2 phấn khối tròn hay hình trứng, vỉ phấn khá dài, rộng ở trên, hẹp ở dưới,gót dẹp, Nhiều loài thường cho cây con trên cọng phát hoa. Nhiều loài có vân màu trên lá
Cây đơn thân, có vân màu trên lá
Hồ điệp là cây ưa bóng mát, chỉ cần 30-40% ánh nắng…Cây không có sự nghỉ rõ rệt, cần thường xuyên theo dõi để giảm nước tưới. Thường sự nghỉ này xảy ra sau khi hoa tàn, Cây không có giả hành nhưng lá rộng nên dễ mất nước vì vậy cần tưới nhiều nước nhưng phải thoáng để không phải thối, vì vậy chậu trồng phải có nhiều lỗ và thường để hơi nghiêng để nước tưới đừng đọng ở ngọn cây, nách lá làm thối lan.

Vì lá rộng và mộng nước nên rất dễ bị các giọt nước làm chấn thương giúp vi khuẩn xâm nhập gây thối nên cần phải tưới rất nhẹ hạt, và tốt nhất nên che một lớp lưới caro hoặc màng phủ trong ở dưới giàn che để tránh tác hại của các giọt mưa.

Nước phải sạch và nên hạn chế dùng phân chuồng vì dễ sinh bệnh, nên tưới thường xuyên nước rễ cây thuốc cá ( Derris elliptica ) để ngừa sâu rầy phá hại.
Sưu tầm

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Thế nào là thế cây ?

Có người nói: “Các cụ xưa coi tất cả những cây cắt sửa trên chậu đều là cây thế”. Liệu điều đó đã đúng? Chúng ta cùng phân tích thế nào nhé. 1. Các cụ là những cụ nào chưa ai xác định cụ thể, có lẽ nó giống như tác phẩm vô danh trong các câu chuyện dân gian truyền khẩu chăng? 2. Xưa là từ bao giừ, 1 nghìn năm, 5 trăm năm hay 1 trăm nưm gần đây, chúng ta cũng chưa có cứ liệu nào tin cậy. 3. Nếu tất cả đều là cây thế, thì từ thế có nghĩa là gì?
 Ông cha ta chơi cây cảnh theo lối truyền khẩu, người này học lỏm của người kia, sau đó mỗi người lại phát triển thêm theo điều kiện của cây phôi và hoàn thành cây của mình. Theo thời gian, lỗi tạo hình chắc không còn như nguyên mẫu xưa của các cụ, nếu có. Chúng tôi chưa tìm được tài liệ cổ nào ghi chép có hệ thống về nghệ thuật cây cảnh của người Việt xưa. Một số hình vễ mẫu cây ảnh cổ của một số bạn sưu tầm được, tiếc rằng chưa ai biết đâu là bản gốc để xác định niên đại thuộc thời đại nào? Hầu hết được chép truyền tay nhau nên không tranh khỏi tam sao thất bản, thậm chí một số từ chữ Hán chú dẫn lại không ăn nhập gì vơi hình vẽ. Một vài người lại nhờ họa sỹ thời nay tưởng tưởng vẽ cây theo chủ đề mà mình ghi chép được. Các sách bonsai của thế giới không hề có từ thế, nhưng khi dịc, các bạn đều ghi thành thế. Điều đáng nói là các bạn đều là nhân danh đây là của cá cụ xưa, mà đã là của các cụ xưa thì đều được coi là đúng và thiêng liêng?
  Chúng tôi đã đưa một số ảnh cây cảnh của nhiều miền đất nước, cây có nghệ thuật đẹp, nhưng hỏi: cây này là thế gì thì tất cả đều chịu, vì nó không phải cây thế. Chúng tôi lại hỏi: cây này nên đặt chủ đề gì thì cũng chịu vì khó mà tìm ra một chủ đề vừa phù hợp với cây. Như vậy có thể nói:
• Không phải cây cảnh nghệ thuật nào cũng là cây thế.
• Không phải cây nào cũng dễ dàng đặt chủ đề.
Từ đó suy ra các cụ xưa cũng chơi đa dạng các loại hình cây cảnh cho nên không phải cây cảnh nào của các cụ cũng đều là cây thế.
Chúng ta trân trọng các tư liệu và sự hiểu biết về lối chơi cây cảnh cổ của các cụ mà dầy công sưu tầm được. Nó giúp ta tham khảo, nghiên cứ tìm tòi có hệ thống hơn để sáng tỏ lịch sử cây cảnh Việt Nam nói chung và cây thế Việt Nam nói riêng. Chúng ta trân trọng kế thừa vốn cổ của cha ông nhưng đồng thời cần nghiên cứu, bóc tách và sắp xếp một cách khoa học hơn để chọn lọc và phát huy nghệ thuật cây cảnh Việt Nam và phát huy nghệ thuật cây cảnh Việt Nam lên tầm cao mới, vì “Mỗi thời đại đều sản sinh ra những sản phẩm văn hoa tương ứng, phù hợp với thời đại của mình”, trong đó có những yếu tố kế thừa của thời đại cũ.
 Nếu coi tất cả cây cảnh nghệ thuật xưa đều là cây thế thì cây thế cũng chính là cây bonsai. Nhưng cây thế Việt Nam và cây bonsai của thế giới có những điểm:
• Giống nhau: Đều là cây cảnh tạo hình thu nhỏ trên chậu. Đều có hay không có chủ đề, tùy ý thích. Đều dùng để trang trí và thưởng ngoạn.
• Khác nhau: một bộ phận và chỉ có một bộ phận cây cảnh nghệ thuật Việt Nam được người Việt “Nhân cách khoa” gắn với hai tiêu chí là hình dáng nhận được và cốt cách. Cốt cách ở đây là phẩm chất đạo đức tiêu biểu đã trở thành truyền thống của dân tộc, lâu nay ta quen gọi là cây thế. Đương nhiên không phải cây nào được nhân cách hóa cũng là cây thế, ví dụ: Cây thị trong truyện Tấm Cám, hiểu được tiếng nói của con người “thị ơi thị rụng bị bà…”. Cây thế phải là cây cảnh nghệ thuật có những nguyên tác cơ bản về tạo hình. “Nhân cách hóa” cây cảnh nghệ thuật chỉ là một lối chơi cây cảnh đặc thù của người Việt Nam, ta có thể coi là một trường phái riêng.
 Cây thế có từ bao giờ đang còn là một vấn đề cần tiếp tục tìm tòi, và không thể không kiên nhẫn chờ đợi những kết quả mới về khảo cổ. Theo một số tư liệu thì đến gần cuối thể kỷ XIX vẫn tháy dùng từ Cách như: Lão mai cách, Hạc lập cách, Long thăng cách … như vậy từ thế có khả năng xuất hiên từ nửa đầu thế ký XX chăng?
Sưu tầm

Cảnh vật xung quanh nhà ở theo phong thủy

Con người cư trú lấy đất lớn, núi sông làm chủ, nên khí mạch của đất lớn, núi sông là rất quan trọng. Chúng liên hệ mật thiết với họa phúc của con người. Nếu ngoại hình nhà không tốt, chỉ có nội hình đúng phép thì cũng không tốt hoàn toàn.
Nhà ở cần chỗ mát mẻ, có dương khí mới tốt, khô khan thì không nên. Một ngoại hình đẹp cho khuôn viên nhà phải có núi cao ở hướng đông (thanh long), có đồi thấp ở hướng tây (bạch hổ), có khoảng đất rộng và trống ở hướng nam (hồng phượng) và có cây to ở hướng bắc hắc quy). Nhà ở được “nước” hướng vào là tốt, còn quay lưng lại là xấu. Ngoài ra, lý thuyết phong thủy cho rằng căn nhà có điểm tốt phải có hình thể phân minh rõ ràng theo tứ linh “Long, Phụng, Hổ, Quy”. Biểu tượng “Long” là tốt nhất và cũng là ưu tiên hàng đầu.
Quy ước thông thường với ngoại hình nhà. (Bắc – Đông – Nam – Tây tương ứng với Quy – Long – Phượng – Hổ).
Nhà ở địa hình phía đông – tây dù không hoàn chỉnh (không có đủ các yếu tố thuận lợi) thì vẫn được coi là phù hợp. Trong khi đó, nếu ở phía bắc – nam, không hội đủ các yếu tố thuận lợi thì không nên kiến tạo nhà ở. Phía bắc nghiêng đông mà không hoàn chỉnh cũng không tốt, phía nam – bắc dài, phía đông – tây hẹp thì tốt nhưng phía đông, phía tây dài, phía nam, bắc hẹp thì sẽ không tốt.
Nhà ở bốn phía nước chảy, đường sá giao nhau thì không tốt. Nhà ở mà trước cửa không có ao hồ thì nên làm thêm ao hồ hình bán nguyệt. Thế nhưng, rất kỵ trường hợp có hai hay nhiều ao hồ. Cây to trước cửa nhà cũng không tốt, không chỉ trở ngại ánh sáng lọt vào mà còn cản trở âm khí thoát đi. Khi làm nhà cũng nên tránh cửa chính nhìn thẳng vào góc nhà khác, cũng nên tránh cửa chính nhìn đối diện lối vào.
Nhà ở cạnh đình chùa, miếu, đền… đều không tốt vì “góc ao đao đình”. Đặc biệt tránh các góc cạnh của đình chùa, của những nhà lân cận, hay góc nhọn của ao vì “Sinh khí đi theo đường cong, sát khí đi theo đường thẳng”.
Ngoại cảnh có tác động trực tiếp đến ngôi nhà cũng như mỗi thành viên cư ngụ trong đó theo nguyên lý của thuật phong thủy. Nó có ảnh hưởng rất rõ đến môi trường khí hậu, những hiện tượng mưa gió, sấm sét… của thiên nhiên. Qua đó, chúng ta có thể quân bình theo luật tự nhiên nhằm tránh những rủi ro giúp căn nhà của bạn hài hòa với thiên nhiên mà không mất đi tính hiện đại.
Sưu tầm

Phân loại các giống lan Dendrobium

Hoa lan (danh pháp khoa học: Orchidaceae) là một họ thực vật có hoa thuộc bộ Măng tây (Asparagales). Lan là một gia đình có sự đa dạng các chủng loại lớn thứ nhì trong thế giới thực vật với gần 30,000 loài chỉ sau họ Cúc và có mặt gần như trên khắp các châu lục ngoại trừ Nam Cực. Trong đó Dendrobium (Lan Hoàng Thảo, Đăng Lan) là một loài lớn với hơn 1,200 giống, đứng thứ hai trong gia đình hoa lan về số lượng giống và cũng đứng thứ hai trong các loài lan được nuôi trồng nhiều nhất chỉ sau Cattleya. Đây cũng là nhóm hoa lan đa dạng có hoa đẹp với màu sắc đầy mê hoặc và một chi tiết không thể quên được chính là hương thơm... Dù rằng Bulbophyllum (Lan Lọng) là một loài lớn nhất trong họ hoa lan nhưng luận về hương sắc có lẽ Dendrobium vẫn vượt trội hơn nhiều phần.

Nói riêng về Dendrobium thì đây là một loài thực vật phụ sinh, sống và bám trên thân cây hoặc đá. Thích nghi với nhiều loại môi trường sống, từ những vùng núi cao Hy Mã Lạp Sơn đến các khu rừng nhiệt đới vùng đất thấp và cả những vùng khí hậu khô nóng của sa mạc Úc Châu. Cũng từ sự đa dạng hấp dẫn kia trong các giống thuộc loài Dendrobium thường được chia ra làm nhiều nhóm với sự riêng biệt nổi bật của từng loại và có khá nhiều cách phân loại khác nhau. Trong bài viết này xin chỉ nói về các giống lan Dendrobium và cách phân loại dưới đây là một cách phân loại dựa vào những điểm tương đồng của những giống lan cũng như cách sống, mùa nghỉ, mùa hoa... Đây cũng là cách phân loại dễ nhớ nên được nhiều người sử dụng so với các cách phân loại khác.

1. Phalaenanthe:

Nhóm này lá thường xanh trong nhiều năm, giả hành ốm, cao (trong từng giống có những biến thể với giả hành thấp), phát hoa mọc ra trên các mắt ngủ ở ngọn. Mùa hoa thường là một lần vào mùa Thu hay cũng có thể hai lần trong năm vào mùa Xuân và Thu. Những cây lan trong nhóm có cánh hoa tròn trịa hay hơi kéo dài, nổi bật với các giống như Den. affine, Den. bigibbum (phalaenopsis), Den. dicuphumDen. williamsianum.

Nhóm lan này phát triển tốt trong môi trường quanh năm ấm áp, với ban đêm không dưới 60°F (16°C). Cần nhiều nước và phân bón trong mùa tăng trưởng, ánh sáng trung bình. Lan có một mùa nghỉ ngắn (3 đến 4 tuần) khô và mát với nhiệt độ có thể chịu được khoảng 55°F (12°C) và ra hoa sau đó khi nhiệt độ ấm trở lại.

Đây cũng là nhóm nổi bật vì các giống lan Dendrobium lai tạo thường thấy, những giống Dendrobium có cánh hoa to tròn như lan Hồ Điệp (Phalaenopsis) hay những giống lan Dendrobium lai được trồng với mục đích thu hoạch hoa và bán ra để mọi người mua về chưng đều có nguồn gốc từ những giống lan nguyên thủy trong nhóm này.

Den. bigibbum var. compactum
Ảnh: www.flickr.com
Den. antennatum
Ảnh: www.flickr.com

2. Spatulata:

Nhóm lan này có cánh hoa dài và xoắn như sừng con linh dương nên trong Anh Ngữ còn được gọi là "Antelope Type". Lá xanh quanh năm với giả hành to cao mạnh mẽ. Ra hoa một lượt với nhiều cành hoa hay có thể ra hoa liên tiếp trong mùa Hè ấm áp, hoa lâu tàn. Có các giống như Den. antennatum, Den. canaliculatum, Den. discolor, Den. gouldii, Den. johannis, Den. lineale (veratrifolium), Den. stratiotes, Den. streblocerasDen. taurinum.

Những cây lan trong nhóm này phát triển tốt trong môi trường có khí hậu ấm áp quanh năm 60-65°F (15-18°C) vào ban đêm và 75-90°F (24-32°C) vào ban ngày. Có thể chịu nóng cao hơn nhưng phải tăng độ ấm và thoáng gió. Không có mùa nghỉ, có thể chịu lạnh trong mùa Đông nhưng phải có môi trường khô ráo. Ánh sáng từ trung bình đến mạnh.

Các giống lan lai từ nhóm lan này thường được giới chơi lan tại Việt Nam gọi là Dendro Nắng do cây khỏe mạnh to lớn và có thể chịu được nắng cao từ 80% đến 100% nắng.

3. Dendrobium:

Nhóm lan này nổi bật với đa số đều có giả hành mọc rũ xuống với lá mọc dọc hai bên. Lá sẽ rụng khi thời tiết bắt đầu lạnh và khô. Nhóm lan này cần một mùa nghỉ lạnh và khô ráo. Vào cuối mùa Đông cho đến đầu mùa Xuân hoa bắt đầu mọc từ 1 đến 5 hoa tại các nách lá. Trong nhóm này chia ra làm hai loại dựa vào khả năng chịu lạnh như sau.

Nhóm D1: Khả năng chịu được lạnh cao, gồm các cây như Den. chrysanthum (Hoàng thảo hoa vàng), Den. friedricksianum, Den. nobile (Thạch hộc, Hoàng thảo dẹt) và Den. wardianum (Hoàng thảo ngũ tinh). Lan cần tưới nhiều nước và phân bón khi cây bắt đầu phát triển mạnh cho đến khi các lá ở ngọn ngừng phát triển. Lúc này lan cần nhiều ánh sáng hơn, giảm nước mạnh hoặc ngưng hẳn không tưới nước, không bón phân, đêm có thể chịu lạnh 40-50°F (4-10°C). Vào thời gian nghỉ này nói vui một chút là "quên chúng đi".

Den. nobile
Ảnh: Hà Khắc Hiếu
Den. falconeri
Ảnh: Bùi Xuân Đáng

Nhóm D2: Những cây trong nhóm này chịu lạnh kém hơn nhóm 1, gồm có những cây như Den. anosmum (Giã hạc, Phi điệp), Den. falconeri (Hoàng thảo trúc mành), Den. fimbriatum (Hoàng thảo long nhãn), Den. findlayanum (Hoàng thảo chuỗi ngọc), Den. heterocarpum (Hoàng thảo lụa vàng), Den. loddigesii (Hoàng thảo nghệ tâm), Den. moniliforme, Den. parishii (Hoàng thảo tím hồng), Den. pendulum (Hoàng thảo u lồi), Den. primulinum (Long tu) và Den. transparens (Phi điệp trắng tím). Cách nuôi trồng tương tự như nhóm một, nhưng vào mùa Đông ban đêm không nên để lạnh dưới 55°F (12°C) và gần như không tưới nước vào thời gian này. Các cây lan trong nhóm này không chịu được lạnh nhiều như nhóm 1.

4. Callista:

Những cây thuộc nhóm này có giả hành cứng cáp, có từ 1-6 lá mọc phía trên đỉnh giả hành. Hoa mọc thành chùm rũ xuống. Những giống nổi bật trong nhóm này gồm có Den. amabile (Thuỷ tiên tím), Den. chrysotoxum (Hoàng lạp), Den. densiflorum (Thuỷ tiên vàng), Den. farmeri (Thuỷ tiên trắng), Den. griffithianum, Den. lindleyi (Vẩy cá, Vẩy rồng), Den. thyrsiflorum (Thuỷ tiên), Den. sulcatum (Thủy tiên dẹt)…

Nhóm lan này cần có mức ánh sáng cũng như tưới nước và phân bón vừa phải vào mùa Hè ấm áp, nhiệt độ vào khoảng 60-90°F (16-32°C). Và giữ mát vào mùa Đông với khoảng 50°F (10°C) vào ban đêm, tưới nước vừa phải đủ để giữ cho giả hành không bị teo tóp và không cần phân bón vào thời gian này.

Den. thyrsiflorum
Ảnh: Nguyễn Thị Khuyên
Den. spectabile
Ảnh: www.flickr.com

5. Latouria:

Nhóm lan này thường có lá trên đầu giả hành to vừa phải và dày. Cụm hoa mọc thẳng với các hoa thường có màu chủ đạo từ trắng đến vàng hơi xanh và hoa trông có vẻ hơi quái dị. Vài giống lan tiêu biểu trong nhóm này là Den. alexandrae, Den. atroviolaceum, Den. johnsoniae, Den. macrophyllumDen. spectabile.

Phát triển tốt trong môi trường giống như nhóm Spatulata tuy nhiên chỉ cần ánh sáng vừa đủ và cần khô ráo để lan nghỉ ngơi vào mùa Đông.

Den. draconis
Ảnh: Lê Trọng Châu
6. Formosae:

Nhóm này bao gồm những cây có giả hành mọc thẳng với một lớp lông đen trên thân và lá có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Hoa thường có màu trắng giữa hoa có màu từ vàng đến đỏ hoặc xanh lá. Thường có từ 2-3 hoa mọc tại các nách lá gần ngọn và có thể to đến 4 inches (10 cm). Hoa lâu tàn. Những cây tiêu biểu như Den. bellatulum (Bạch hỏa hoàng), Den. dearii, Den. draconis (Nhất điểm hồng), Den. formosum (Bạch nhạn), Den. infundibulum (Hoàng thảo Bù Đăng), Den. lowii, Den. margaritaceum (Bạch hoàng), Den. sanderaeDen. schuetzii

Nhóm lan này phát triển tốt trong môi trường khí hậu mát với khoảng 50-60°F (10-16°C) vào ban đêm và không quá 85°F (30°C) vào ban ngày. Tưới nước và phân bón hợp lý khi cây phát triển mạnh và cần để khô nhẹ khi cây ngừng tăng trưởng. Giữ ẩm nhẹ cho đến khi cây bắt đầu phát triển trở lại.

7. Nhóm cuối cùng bao gồm những nhóm nhỏ với những cây đặc trưng sau: Den. linguiforme, Den. tetragonum, Den. gracillimumDen. cuthbertsonii (sophronitis).

Trồng tốt tùy theo môi trường sống của từng cây tuy nhiên vẫn có điểm chung là cần một nhiệt độ từ trung bình đến ấm áp với nhiệt độ ban đêm vào khoảng 55-60°F (12-16°C). Giữ khô vào mùa Đông hoặc khi thấy cây ngừng tăng trưởng.

Den. linguiforme
Ảnh: www.flickr.com
Den. tetragonum
Ảnh: www.flickr.com

Hiện nay có nhiều cách phân loại khác nhau, chưa thống nhất và ngay cả các nhà khoa học gia cũng còn nhiều ý kiến trái ngược. Ví dụ như theo cuốn "Dendrobium and Its Relatives" của Bill Lavarack, Wayne Harris và Geoff Stocker thì Dendrobium chia ra tới 34 nhóm và theo Internet Orchid Species có tới 40 nhóm. Tuy nhiên như đã trình bầy ở trên, đây là cách phân loại dễ nhớ nên được nhiều người sử dụng và các cây lan trong cùng một nhóm thường được các nhà lai giống lan tuyển chọn và lai tạo tạo với nhau để cho ra các giống lan lai đẹp đẽ nhưng vẫn mang đặc trưng nổi bật.

Den. gracillimum
Ảnh: www.flickr.com
Den. cuthbertsonii
Ảnh: www.flickr.com

Mong rằng bài viết với cách phân loại kể trên sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về loài lan Dendrobium và từ đó có thể lựa chọn cho chính mình những cây lan đẹp phù hợp với khu vực sinh sống và sở thích riêng.

Do các giống của loài lan này lên đến hàng nghìn cho nên những cây lan được liệt kê bên trên chỉ là một số đại diện đặc trưng được nhiều người biết đến. Thêm vào đó, những cây lan có mọc tại Việt Nam được liệt kê với tên tiếng Việt đi kèm, tuy nhiên đôi khi tên khác nhau giữa các vùng miền nên những tên Việt bên trên được sử dụng dựa vào tên gọi được nhiều người sử dụng. Xin xem chi tiết của 115 loài và 1147 giống trong mục Lan Rừng VN từ A-Z.

Anaheim 11/2013
Theo Nguyễn Duy

Bệnh thán thư hại cây Phong lan

Cây phong lan (giống Đăng lan và Cát lan) trên lá (chủ yếu là ở đầu lá) tự nhiên xuất hiện những chấm nhỏ mầu nâu nhạt hơi vàng, sau đó phát triển rộng ra thành những đốm hình tròn mầu nâu sẫm. Nếu nặng có thể làm cho lá bị khô một phần hoặc cả lá, trên chỗ bị bệnh xuất hiện những vân vòng đồng tâm và những chấm đen.
Qua mô tả kết hợp với những hiểu biết về sâu bệnh hại trên cây phong lan, dự đóan rằng cây phong lan của nhà bạn đã bị bệnh Thán thư (có người còn gọi là bệnh đốm than) gây hại. Bệnh này do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Ngoài cây phong lan bệnh còn gây hại cho khá nhiều lọai cây trồng khác.
Trên lá của cây phong lan, ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ mầu nâu vàng, sau đó vết bệnh cứ tiếp tục phát triển rộng dần ra thành những đốm tròn có mầu nâu đậm. Bệnh có thể tấn công ở mọi vị trí trên lá của cây. Nếu tấn công ở chóp lá sẽ làm cho lá bị khô từ trên xuống, có khi xuống tới 2/3 chiều dài lá. Nếu bệnh tấn công ở gốc lá vết bệnh sẽ lan dần ra xung quanh, nếu nặng có thể làm cho lá bị rụng. Sau một thời gian ở giữa vết bệnh chuyển dần sang mầu xám và xuất hiện những vân vòng đồng tâm rộng khỏang 1 ly (như bạn đã thấy), sau đó xuất hiện các chấm nổi lên mầu nâu đen, đó là đĩa bào tử. Nếu bị nặng có thể làm cho nhiều lá bị chết, thậm chí chết cả cây.
Nguồn bệnh tồn tại trong tàn dư của cây bị bệnh, trong đất, trong nguyên liệu để trồng phong lan. Bào tử phân sinh lan truyền chủ yếu nhờ nước, nhờ gió, nẩy mầm xâm nhập vào trong lá phong lan qua vết thương cơ giới hoặc trực tiếp qua biểu bì.
Bệnh thường phát sinh và gây hại từ tháng 3 đến tháng 10, nhưng tập trung nhiều nhất là vào khỏang tháng 4 đến tháng 6. Trong điều kiện trời nóng, có mưa nắng thất thường, độ thông thóang của giàn lan kém, tưới nước qúa nhiều tạo cho chậu lan luôn ẩm ướt...thường làm cho bệnh gây hại nhiều hơn.
Để hạn chế tác hại của bệnh bạn có thể tiến hành một số biện pháp sau:
-Kiểm tra chậu lan thường xuyên để phát hiện sớm và có biện pháp phòng trị kịp thời. Nên mạnh dạn cắt bỏ những lá bị bệnh hại nặng đưa ra khỏi vườn tiêu hủy để giảm bớt nguồn bệnh trong khu vực giàn lan, tránh bệnh lây lan sang những chậu lan, cây lan khác.
-Trước khi trồng nếu có điều kiện bạn nên xử lý chậu lan và chất trồng lan (than củi, dớn, vỏ dừa...) bằng dung dịch Formol 40% pha nồng độ 5% phun xịt lên chậu và chất trồng rồi phủ kín bằng bạt nilon khỏang 2-3 ngày, sau đó mở bạt ra khoảng 1-2 ngày sau thì có thể trồng lan vào.
-Không nên tưới nước quá nhiều, nhất là vào buổi chiều tối. Nếu bệnh thường gây hại nặng thì trong mùa mưa nên có mái che bằng nilon trắng vừa hạn chế nước mưa một cách chủ động, mà vẫn đảm bảo có đủ ánh sáng cho cây.
-Không nên che kín bít bùng giàn lan, nên tạo cho giàn lan nhận được đầy đủ ánh nắng mặt trời theo yêu cầu của từng lòai lan, tạo cho giàn lan thông thóang gió.
-Nếu thấy cây lan chớm có bệnh thì hạn chế tưới nước và dùng một trong vài lọai thuốc như: Candazole 50WP; Bavistin 50SC; Topsin M 70WP; Vithi-M 70BTN... xịt định kỳ khoảng 7-10 ngày một lần. Về liều lượng và cách sử dụng bạn có thể đọc hướng dẫn có in sẵn trên nhãn thuốc. 
Sưu tầm

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Ba mẹo nhỏ trồng Cattleya


Trồng Cattleya có thể nói là một trong những khó khăn khi chúng ta thật sự dấn thân vào. Không giống như những giống lan khác, trồng Cattleya đòi hỏi một chế độ chăm sóc rất chuyên biệt. Nhưng khi bạn nắm bắt được cách trồng, bạn sẽ có được giống lan đẹp nhất và có thể nói nôm na là một trong những giống lan có giá trị nhất về giá thành
Khi phân loại các giống hoa lan dựa trên tiêu chí tầm quan trọng kinh tế và vẻ đẹp thì Cattleya hiển nhiên sẽ xuất hiện ở vị trí đầu bảng. Đó chính là lý do khiến cho Cattleya được nhiều người yêu thích và nuôi trồng mặc cho những khó khăn, phức tạp có thể gặp phải.
Chỉ nắm vững những kiến thức trồng lan cơ bản thì bạn vẫn chưa thể trồng  Cattleya thành công loại lan đặc biệt này. Có thể thấy là những chỉ tiêu cơ bản về ánh sáng, nước và phân bón không đủ để áp dụng trong việc trồng Cattleya. Trên thực tế thì chính những yêu sách của Cattleya mà những chuyên gia trồng lan liệt chúng vào hàng “khuyến cáo” cho những người mới bắt đầu làm quen với hoa lan.
Sau đây là những mẹo nhỏ giúp bạn chinh phục loài lan khó tính này.
1.Trồng Cattleya trong môi trường nhà kính.
Nếu bạn muốn trồng thành công các loại lan chẳng hạn như Cattleya, nhất thiết bạn phải cần có nhà kính , Những cây lan Cattleya hầu như rất khó hoặc có thể nói là không thể phát triển trong môi trường tự nhiên ngoài trời. Trên thực tế là mặc dù có một số nơi có thể trồng Cattleya ngoài trời rất tốt, thì việc di chuyển cây cũng vô cùng phức tạp và khó khăn. Do đó  giải pháp trồng Cattleya trong nhà kính xem ra có thể đem lại kết quả mỹ mãn.
Trồng Cattleya trong một không gian chuyên biệt như nhà kính sẽ giúp cho chúng ta kiểm soát được độ ẩm và nhiệt độ chính xác. Cattleya sẽ phát triển mạnh mẽ khi có được môi trường sống có tỉ lệ độ ẩm từ 60% -> 70% vào ban ngày và  nhiệt độ không thấp hơn 20oc. Cây lan thân yêu của bạn có thể héo hoặc tệ hơn là chết đi nếu bạn không tuân thủ những điều kiện tiên quyết này.
2.Thêm nột chút ánh nắng mặt trời nhưng đừng quá nhiều.
Thêm một “mẹo” để trồng Cattleya tốt chính là việc đáp ứng yêu cầu vế ánh sáng. So với những giống lan thông thường của bạn, Cattleya cần ánh sáng hơn nhưng không nhiều quá vì có thể giết chết cây. Ánh nắng mặt trời nhiệt đới chính là loại ánh sáng hoàn hảo cho giống lan của chúng ta. Nếu bạn thật sự mong những chậu lan Cattleya phát triển mạnh mẽ, thì bạn cần phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản này khi cung cấp ánh sáng cho chúng. Mặc dù có thể sẽ phát sinh nhiều việc để làm , nhưng sẽ vô cùng xứng đáng.
Vào mùa hè, bạn có thể cho cây được phơi nắng vào buổi sáng và chiều muộn. Tuy nhiên thời điểm từ 11giờ đến 15 giờ, bạn không thể để cây dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp vì cây sẽ bị thiêu cháy. Nếu điều này quá phức tạp và tốn thời gian đối với bạn, có thể đặt chậu lan của mình dưới bóng mát một cây lớn hơn. Bằng cách này bạn có thể vừa bảo vệ cho chậu lan, lại vừa cung cấp đầy đủ ánh sáng cần thiết vào những thời điểm thích hợp
3. Sợi dương xỉ- người bạn đồng hành tuyệt vời trong trồng Cattleya.
Khi trồng Cattleya, lựa chọn tốt nhất đối với chất trồng chính là dương xỉ. Loại chất trồng này rất dồi dào chất xơ, độ ẩm và là một nguồn cung cấp độ ẩm hiệu quả cho toàn bộ cây lan. Cũng giống như những loại lan khác, Cattleya dễ dàng chết nếu được tưới quá nhiều nước, và chắc chắn là chất trồng của lan sẽ nhiễm nấm và rêu.
Cattleya là một loại lan vô cùng tuyệt vời, và bạn  có thể trồng thành công với những mẹo nhỏ trên.
Theo Orchidcarezone.com

Ươm trồng và chăm sóc Đai châu rừng

1. Cách trồng và chăm sóc
ĐAI CHÂU là loại lan khá dễ trồng và chăm sóc nếu hiểu được các đặc tính sinh trưởng của chúng

a) Về giá thể trồng:
Có thể nói bất cứ giá thể trồng lan nào cũng có thể trồng được lan ĐAI CHÂU, tuy nhiên, trồng như thế nào còn phụ thuộc vào sở thích và điều kiện của từng người, từng nơi,… Thông thường, ĐAI CHÂU được ghép vào các khúc gỗ (gõ cây, gỗ lũa,….có hình dáng đẹp) khúc gỗ nhỏ vừa phải có thể treo trên giàn lan, những khúc gỗ to thường được đặt trong chậu và đổ xi măng chết ở gốc cho vững. Nếu điều kiện cho phép như nhà biệt thự,sân rộng thoáng, xung quanh có 1 số cây cổ thụ và 1 vài cây bosai kết hợp vẫn có thể tạo được 1-2 cây đai châu đẹp hài hoà, hợp lý. Cây ghép phải có hình dáng đẹp, mang phong cách cổ thụ hoặc giả sơn. ĐAI CHÂU cũng có thể trồng trong chậu đất nung với giá thể là than củi, vỏ thông,…..hoặc trồng trong chậu nhựa với than củi trộn với dớn cọng nhỏ. Thông thường các giống ĐAI CHÂU có nguồn gốc khai thác tự nhiên thường được ghép vào các khúc gỗ, còn các cây ĐAI CHÂU công nghiệp được trồng trong chậu.

Nếu ghép gỗ: nên lựa chọn gỗ sưa, gỗ nhãn hoặc vú sữa là tốt nhất. Nếu trồng chậu: nên chọn chậu đất nung hoặc chậu gỗ (cũi) trồng bằng than củi kết hợp với dớn cọng nhỏ hoặc vỏ thông.

Tóm lại, trồng lan ĐAI CHÂU bằng cách nào cũng được nhưng phải đảm bảo được tính cấn đối hài hoà và thụân tiện cho sự phát triển của cây lan.

b) Ươm trồng lan ĐAI CHÂU rừng khai thác:
Cách chọn ngọn lan đẹp đã trình bày ở phần trên. Sau đây là tổng hợp các phương pháp ưom trồng lan ĐAI CHÂU rừng khai thác.

Ươm trồng Đai châu ngoài Bắc
Nếu bạn ở phía Bắc thì nên chọn mùa Xuân-Hè mà ươm, vì mùa Thu-Đông hanh khô, gặp lạnh, nghinh xuân sinh trưởng rất kém, dễ bị héo, chậm mọc rễ.
- Đừng ham lấy những ngọn non mơn mởn, nó sẽ bị sút rất nhiều. Nên chọn những ngọn đanh chắc lá.
- Nếu bạn ươm vào vụ này, nên cắt bỏ ngồng hoa từ khi mới nhú để tập trung sức cho cây mọc rễ, nếu để ra hoa cây sẽ bị kiệt sức, chuồn lá, rất chậm mọc rễ
.- Kinh nghiệm của tôi là: khi mới mua về, cắt sửa chổ nào thì bôi vôi hoặc thuốc Daconil vào đó, hoặc pha thuốc nhúng hoặc phun ướt toàn bộ, treo 2-3 ngày cho liền sẹo. Sau đó ngâm phần gốc bằng ANTONIC 1/500 + B1 1/1000 trong 30 phút, lại treo tiếp 2-3 ngày. Tiếp theo, cứ 2 lần/tuần, pha 30-10-10 hoặc 20-20-20 với ROOTPLEX (hoặc KELPACK, là 2 loại chất kích thích sinh trưởng rất tốt cho ươm cây) 1/4 liều, bón luôn. 2 tuần sau đã thấy nhú rễ, khi rễ nhú dài độ 1 cm là ghép lên giá thể luôn, rễ mọc tiếp sẽ bám nhanh, cây ít bị kiệt sức, ít bị chuồn lá, phục hồi sinh trưởng rất nhanh. Sau đó, chỉ dùng ROOTPLEX hoặc B1 2-3 tuần/lần vào phân.- Thời gian này phải để ở nơi ẩm mát, tránh nắng, không được tưới ướt mà chỉ phun sương cho lấm tấm nước bám lên thôi, bón phân cũng vậy, và chỉ ở mặt dưới lá.

Ươm trồng Đai châu miền Nam
Mua lan về, vẫn để khô. hòa sẵn dung dịch B1 + A.NAA (kích thích ra rể, có người gọi ANA và NAA nên mới ghi như vậy thì khỏi chạy theo nồng độ của nhà sản xuất.Nhúng rể đang khô vào xô nước, (chỉ phần rể thôi nhé) để khoảng 15s sau đó lập tức đặt rể vào dung dịch B1 + A.NAA ngâm trong khoảng từ 5 cho tới 7 phút. Nhớ làm đồ gá chứ cầm tay mà cỡ 50 cây chắc hết 1 ngày.
- Trồng trên chậu và giá thể tạm. Dùng chậu đất nung có nhiều lỗ loại size lớn, càng lớn càng tốt.
- Buộc cây bằng dây điện thoại vào chậu (lòng qua các lỗ hông chậu để buộc).
- Buộc 4 cây Lan thành hình chữ nhật trên một chậu. Buộc sao cho lá gần rể nhất nằm ngang mặt chậu
- Sau đó bỏ một ít sơ dừa loại xay nhuyễn (loại trộn với tro trấu để trồng cây - loại này rất rẻ tiền và dễ kiếm, khoảng 5ngàn 1 bao cát) ở đáy chậu (khoảng 5mm) sau đó bỏ các than cục cỡ trung (khoảng 5cm mỗi cạnh), bỏ than lên đến cách lá cuối cùng 2cm. Tiếp tục dùng sơ dừa xay nhuyễn bỏ khoảng 3 nắm tay vào phần chính giữa những cục than.
- Tưới B1 + A.NAA + 30-10-10 trong tháng đầu (tưới hàng ngày, dùng nồng độ 50% bình thường. Nếu là cây lớn khi cây nhú mầm rể chuyển sang tưới B1 + A.NAA + 20-20-20.
- Sau khi Rể dài khoảng 5-7cm, nếu muốn chuyển chậu thì ngâm chậu lấy cây ra, tháp lên cây vú sữa hay chơi 1 cây / chậu treo. Còn nếu muốn để 4 cây / chậu như củ thì dốc ngược chậu lên (chổng đầu), dùng vòi nước xịt cho trôi các sơ dừa xay ra, vì lúc này không cần nữa, sợ tưới quá nhiều nước mà sơ dừa giữ nước làm úng rể. đối với ĐAI CHÂU nên tưới phun sương cho tới khi thấy rể chuyển sắc. tưới 2-3 lần / ngày vào mùa nắng, còn mùa mưa thì tùy ngày.Cách làm này chỉ sử dụng cho những người chơi 10kg trở xuống, Nếu trồng số lượng lớn thì không thể áp dụng được, mặc dù hiệu quả - an toàn nhưng rất tốn kém chi phí. Trồng nhiều thì dùng phương pháp kích rể mạo hiểm hơn, tỉ lệ hư cây có thể lên tới 3% nhưng bù lại chi phí khác sẽ rẻ hơn nhiều.
Sưu tầm