Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Chặng đường mới Hội sinh vật cảnh Bảo Ninh


Công cuộc đổi mới đất nước đem lại những định hướng đúng đắn và những kết quả đáng kể về kinh tế, xã hội của nhân dân, từ đó đời sống vật chất của nhân dân xã nhà ngày càng được ổn định và nâng cao. 
Trước nhu cầu cuộc sống đòi hỏi, trước một nền kinh tế thị trường ngày càng được ổn định, việc phát triển nghề sinh vật cảnh mang nhiều ý nghĩa, không chỉ làm đẹp cho thành phố, cho quê hương, cho mỗi gia đình, mà còn tạo nên công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, từng bước ổn định, nâng cao đời sống.

Ở xã Bảo Ninh, từ 10 năm nay, một số cá nhân đã nhận thức rõ đúng vị thế của sinh vật cảnh, trước nhu cầu mới của cuộc sống, đã trăn trở chọn nghề, chọn mô hình, đi các huyện các tỉnh tham quan học hỏi, như các hộ: Bùi Quang Ngọc; Nguyễn Thành Biên; thuê kỷ thuật sinh vật cảnh tay nghề cao tư vấn giúp đỡ, trực tiếp, xây dựng các mô hình cây cảnh ngay từng nhà. Đến nay đã có hàng trăm hộ phát triển sinh vật cảnh nói chung, cây bonsai, hoa trong chậu, lồng ghép mô hình cây và non bộ mô hình nhỏ, trong đó có nhiều hộ trồng trên 50 chậu cây cảnh non bộ, không chỉ để thỏa mãn thú vui tinh thần trong gia đình, mà còn để trao đổi buôn bán, có hộ hiện có 100 - 200 chậu cây cảnh trị giá hàng tỷ đồng.

Về giá trị nhiều mặt của nghề sinh vật cảnh, ông Trương Quang Giàu - Chủ tịch hội sinh vật cảnh xã Bảo Ninh, từ thực tế triển khai ở xã nhà, cho biết, quá trình vận động phát triển sinh vật cảnh, nhiều bà con có những hoàn cảnh khác nhau, đều phát triển được, có trường hợp từ hai bàn tay không, nghĩa là từ một nhánh cây nhỏ trồng trên đất, đưa vào chậu ghép bằng xi măng, chậu sứ, mà phát triển dần lên. Đương nhiên, có vốn liếng thì dễ phát triển sinh vật cảnh hơn. Bất cứ diện tích vườn nhà rộng hay hẹp, nếu biết sắp xếp, đều làm được Hoa – Cây cảnh, đều mang lại hiệu quả kinh tế. Bảo Ninh có không ít hộ trồng cây cảnh đi từ số lượng ít, qui mô chậu cảnh nhỏ mà phát triển lên số lượng nhiều, qui mô lớn, sắc sảo kỷ thuật chăm trồng, tĩa ghép, uốn tạo, nhiều hộ có từ từ 50 – 100 chậu, như các hộ Phạm Triết Học, Phạm Lòng ở Cừa Phú, Bùi Quang Ngọc ở Hà Trung, Nguyễn Thành Biên ở Hà thôn, Nguyễn Chí Thanh ở Trung Bính, các ông Hoàng Viết Roòn ở Hà Dương, Phan Đức ở Sa Động, Anh Quang ở Đồng Dương, anh Nguyễn Đức ở Mỹ Cảnh…

Nghề sinh vật cảnh là một nghề đòi hỏi tay nghề kỷ thuật cao, có năng khiếu thẫm mỹ tốt, đặc biệt là sự say mê tìm tòi, sáng tạo, trên cơ sở một ý thức lao động cần cù, bền bĩ, chăm sóc chu đáo, tỉ mĩ. Mỗi loại cây, mỗi loại hoa đòi hỏi một cách thức chăm sóc, vun xới khác nhau. Tất cả có được từ một lòng yêu thích nghề nghiệp tha thiết, ham mê tìm tòi, sáng tạo

Ở Bảo Ninh, hiện nay đã hình thành mô hình gia đình làm vườn hoa cây cảnh, xã nhà đã có hàng chục hộ sống bằng nghề cây sinh vật cảnh, nghề này đã trở thành nghề chính, thu nhập chính cho gia đình, có những cây đạt giá trị kinh tế cao từ 500.000đ đến 1 tỷ đồng. Có nhiều gia đình có cây có giá trị cao như vậy, nhiều gia đình khác có cây có giá trị bình quân từ 5 triệu đến 20 triệu. Gần 100 hộ kết hợp trồng sinh vật cảnh với các nghề khác, chưa kể các hộ có một vài chục chậu trồng cây hoa, các bộ cây lưu niên giá trị cao, như các bộ cây Si, Đa, Cừa, Đề, bộ cây Sung, Mãng, Quan, Quế… Nghề sinh vật cảnh đã góp phần làm cho kinh tế xã nhà từng bước trưởng thành. Mỗi độ xuân về, làng hoa cây cảnh rộn ràng từng đường thôn, ngõ xóm, rộn ràng kẻ bán người mua

Ở Bảo Ninh, nghề sinh vật cảnh đang được truyền nối nghề nghiệp và lòng đam mê, từ thế hệ cao tuổi như các ông Hoàng Viết Ròon, Phạm Minh Thuyết ở Hà Dương, ông Nguyễn Tâm ở Hà Thôn, ông Phan Đức ở Sa Động, qua thế hệ trẻ như các anh Đào Xuân Lan, Nguyễn Thành Biên, Bùi Quang Ngọc, Phạm Triết Học…

Hội sinh vật cảnh Bảo Ninh vừa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ thứ nhất 2012 – 2017. Trong phương hướng nhiệm vụ chung của hội sinh vật cảnh xã Bảo Ninh, có những điểm nhấn mạnh, đó là việc phát triển đồng đều hội viên các thôn, tiến tới xây dựng 8 chi hội thôn và 4 chi hội trường học, xây dựng các thể loại sinh vật cảnh có giá trị chất lượng cao, từng bước xây dựng làng nghề truyền thống sinh vật cảnh, tạo cảnh quan gia đình, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái xanh, sạch đẹp, bảo tồn những cây có giá trị văn hóa lịch sử, ở địa phương. Điều đáng nói đến nữa là, cùng với cây cảnh, trong phương hướng chung, hội sinh vật cảnh Bảo Ninh còn khuyến khích hội viên phát triển các loại hoa, như Hồng, Cúc, Mai, Thọ, vừa làm đẹp cảnh quan gia đình, thôn xóm, vừa mua bán cho nhân dân sử dụng trong các dịp tết đến xuân về, các cuộc lễ cưới hỏi, kỵ giỗ…

Hội sinh vật cảnh và nghề sinh vật cảnh ở Bảo Ninh đang bước vào chặng đường phát triển mới.
 Nguyễn Như

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét