Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Quy trình trồng lan Cattleya Phần I

I. Đặc điểm sinh trưởng :
Giống Cattleya có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, phần lớn ở vùng núi, độ cao từ 600 - 1800 m. Gồm 60 loài nguyên thuỷ và vô số loài lai trong cùng một giống hay với giống khác. Chúng được gọi là hoàng hậu của lan vì vẻ đẹp huy hoàng và đa dạng.
Cattleya là loài phụ sinh, có giả hành cao trung bình, tròn hay hơi dẹp, thường to mập ở giữa, hai đầu hẹp lại. Các giả hành hơi khít nhau, lúc non có bẹ màu xanh bọc lại, lúc già các bẹ khô trở nên có màu trắng bạc. Ở mỗi đỉnh của giả hành có 1-2 lá khá to, dày, dai, bền, không có bẹ lá. Phía trong lá, ngay đỉnh của giả hành, khi có hoa thì có một cái mo mà ta gọi là lưỡi mèo bao bọc nụ hoa bên trong. Phát hoa mang từ 1-10 hoa to, có màu tím, vàng, trắng. Mỗi hoa có 3 lá đài hầu như bằng nhau, và hai cánh hoa bên luôn to hơn lá đài, có khi rất to. Môi to, 3 thuỳ với thuỳ bên rộng lớn có mép cong về trên che kín trụ, thuỳ giữa trải ra rộng lớn, mép nhăn hay gợn sóng, đôi khi không phân biệt được 3 thuỳ rõ rệt. Trụ khá cao, hơi cong, đầu trụ là nhị đực có nắp che. Bao phấn gồm 2 buồng, 4 khối phấn xếp thành từng cặp, phấn khối có hình đĩa màu vàng, mỗi cái có một vỉ phấn cong nhỏ.
Người ta thường phân ra hai nhóm :
-Nhóm 1 lá : chỉ có một lá trên mỗi giả hành, thường mang từ 2-6 hoa lớn, môi sặc sỡ.
-Nhóm 2 lá : thường mang 2 lá trên mỗi giả hành, có hoa nhỏ hơn nhưng nhiều hơn (hoa chùm), môi nhỏ hơn và dày hơn.

II. Cách trồng Cattleya :
Thường trồng Cattleya vào chậu đất nung chín với chất trồng là dớn, than, gạch bể, xơ dừa, rêu Sphagnum.
Đầu tiên phải làm thoáng đáy chậu bằng cách để các cục than to, hay những miếng gạch vụn hoặc những que tre hay gỗ gác chéo ở phần đáy, bên trên là chất trồng.
Chất trồng thường phải được ủ xử lý và phối trộn với 10% phân chuồng hoai mục theo thể tích và khoảng 1-2% super lân. Đối với vùng có khí hậu lạnh như Đà Lạt thì giá thể tránh quá thông thoáng vì nhiệt độ lạnh vào ban đêm sẽ làm cho các đầu rễ đui đi và bộ rễ teo dần, cây phát triển kém, ngược lại giá thể quá bí thì cây dễ bị thối rễ vào mùa mưa. Một giá thể với phần đáy thật thông thoáng và phần bề mặt hơi kín thì rất tốt cho sự phát triển của Cattleya.
Đối với cây con được tạo ra qua con đường nuôi cấy mô thì phải trải qua giai đoạn nuôi cây ở nhà ươm, khi cây phát rễ cứng cáp thì mới trồng vào chậu.
Kỹ thuật trồng cây ống nghiệm :
Đối với Cattleya được tạo ra bằng con đường nuôi cấy mô thì sau khi cây được rút ra khỏi ống nghiệm cần thao tác nhẹ nhàng tránh làm tổn thương rễ hay đứt rễ, rửa thật sạch các vết thạch còn lại trên rễ xong ngâm toàn bộ cây vào dung dịch thuốc Kasumin 2gam/lít khoảng 5 phút. Vớt nhẹ cây ra và để ráo trong mát chuẩn bị trồng .Ở Đà Lạt chất trồng phổ biến là dớn mút, dớn này cần được ngâm nước và xả kỹ từ 2-3 lần cho hết độ chát có trong dớn, xong xé nhỏ. Dùng dớn xé nhỏ này bó xung quanh rễ cây cấy mô với độ rộng và dài gấp đôi rễ, xếp nhẹ nhàng những cây này vào khay mà dưới đáy đã trải sẵn một lớp dớn để không làm tổn thương rễ.
Chăm sóc : Cây nuôi cấy mô cần giữ ẩm liên tục trong vòng 7 -10 ngày đầu tiên sau khi trồng, độ ẩm khoảng 75-80 %, không khô quá vì cây mất nước sẽ chết, và không ẩm quá vì dễ gây thối cả cây. Tuyệt đối không được tưới vào buổi tối vì sẽ làm cho cây dễ thối nhũn, thường dùng bét phun sương khoảng 4-5 lần trong ngày và tuỳ thuộc vào thời tiết. Cây phải được đặt vào nhà có mái che bằng tôn sáng với độ sáng khoảng 40 -50% là thích hợp. Sau khoảng 15 ngày khi thấy đầu rễ phát triển thì giảm dần lượng nước phun cho đến khi bình thường. Trong thời gian này tiến hành phun phân bón lá có thành phần N:P:K=30:10:10 khoảng 5ngày/ lần. Tiến hành phun thuốc phòng nấm như Ridomil Gold 20g/ 10 lit, 1 tuần phun 1 lần, chú ý phun thuốc diệt côn trùng khi phát hiện thấy hoặc theo định kỳ 15 ngày/ lần (có thể là ốc sên, nhớt, ruồi nhỏ...). Chăm sóc trong nhà ươm khoảng thời gian từ 1,5 -3 tháng là có thể chuyển cây mô này vào chậu lớn và chăm sóc bình thường.
Đối với cây được tách chiết thì tách chiết sang chậu vào lúc chồi mới phát triển khi có rễ ló ra ở gốc. Nếu cây có nhiều hướng phát triển thì tách chúng ra 2 hay nhiều đơn vị để trồng. Mỗi hướng là một đơn vị, mỗi đơn vị ít nhất phải có một giả hành già với một chồi mới thì cây phát triển tốt hơn. Trong trường hợp có một chậu lớn và sang qua một chậu lớn hơn, muốn cho cây phát triển thành nhiều hướng thì sau khi thay chậu, cây phục hồi thì dùng dao tách 2 tép một và để nguyên như vậy giúp cây phát triển thành nhiều hướng, có thêm nhiều chối mới cùng trưởng thành 1 lúc nên khi có hoa sẽ cùng một lượt rất sum sê. Cattleya chỉ cho hoa ở các giả hành mới, và các giả hành cũ dù có xanh tốt vẫn không cho hoa.
Khi sang chậu hay tách chiết phải cắt bỏ rễ già chết, còn các rễ khoẻ phải giữ gìn cẩn thận, nhất là phần đầu rễ ở các chồi mới không được đụng chạm vào. Buộc cọc tỳ sát mép chậu cho thật vững, hướng phát triển vào giữa và phần căn hành phải phơi bày lên mặt chất trồng. Lớp mặt trên của chất trồng cũng phải được nén chặt không để cho cây lay động làm tổn thương đến sự phát triển của rễ.
Đa số Cattleya chống chịu với mọi điều kiện miễn sao rễ thoáng, chất trồng không hư mục làm thối rễ. Ẩm độ thích hợp là 50 - 80%. Lúc cây phát triển cần tưới nước nhiều hơn so với khi cây nghỉ. Sự nghỉ ở Cattleya rất khó quan sát, những cây Cattleya có hoa vào mùa mưa thì thường có kỳ nghỉ kéo dài 6 -8 tuần, lúc đó các giả hành đã phát triển đầy đủ, không có chồi mới, không có rễ mới hoạt động. Trái lại những cây Cattleya ra hoa vào mùa khô thì không có sự nghỉ.
Cattleya cần nhiều ánh sáng, ánh sáng phù hợp là khoảng 50% trở lên. Nếu Cattleya khó ra hoa thì tăng ánh sáng và tăng bón phân có nhiều lân. Biểu hiện của một cây lan thừa ánh sáng là lá có thể bị cháy hoặc màu vàng, cây lùn thấp và rất cứng cáp, ngược lại cây thiếu ánh sáng có màu lá xanh đậm, dáng cây yếu đuối và rất dễ ngã. Cây lan Catttleya có màu xanh nhạt ánh màu vàng hay tím là cây được trồng nơi có vừa đủ ánh sáng. Phân bón cho Cattleya thường có nồng độ thấp hơn so với phân bón cho Dendrobium, Vanda hay Cymbidium.
Cattleya là loại lan có thể sống được ở vùng nóng và vùng ôn đới và đặc biệt đây là giống rất thích nghi với điều kiện khí hậu Việt Nam với một biên độ rất rộng. Chính vì thế nó được trồng và phát triển mạnh ở khắp nơi: Các tỉnh phía Nam, các tỉnh phía Bắc và ngay cả trên vùng cao nguyên.
Nhiệt Độ lý tưởng cho Cattleya là 210C vào Ban ngày và 160C vào ban đêm. Vùng thích hợp cho loại này là vùng Bảo Lộc. Dù vậy lan Cattleya vẫn có thể sinh trưởng và phát triển ở một nhiệt độ cao hơn nhiệt độ lý tưởng là 80C vào ban ngày và 50C vào ban đêm. Nhưng nhiệt độ lý tưởng vẫn giúp cây sinh trưởng với điều kiện tốt nhất, cụ thể là ở Đà lạt. Mặc dầu các nhà vườn ít sử dụng phân bón, nhất là phân vô cơ nhưng Cattleya vẫn phát triển với kích thước lớn hơn so với cùng loài trong điều kiện ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra lan Cattleya cũng phát triển tốt ở những vùng có khí hậu mùa đông với nhiệt độ 130 C vào ban ngày và 100C vào ban đêm. Tuy nhiên ở vùng lạnh mát nên trồng loài Sophro Cattleya và loài Sophrolaelio Cattleya thì sự ra hoa của các loài này đều đặn hơn. Điều này là do các giống lan Cattleya được xuất phát từ 2 nguồn: Một nguồn từ vùng khí hậu nóng ẩm của Brazin và một nguồn từ vùng đồi núi cao nguyên ở Columbia và Mexico.
Ở vùng Đà lạt vì thường xuyên có không khí ẩm nên chỉ tưới nước 1-2 lần/ tuần tuỳ theo ẩm độ của giá thể vào mùa nắng và hoàn toàn không tưới nước vào mùa mưa.
Nhu cầu phân bón đối với loài lan Cattleyya: Các loài lan Cattleya có thể ra bông bất kỳ mùa nào trong năm với điều kiện bộ phận sinh dưỡng đủ khả năng phát triển thành một giả hành mới. Chính vì thế việc bón phân cho lan ngoài mục đích duy trì sự sinh trưởng và phát triển cho lan còn nhằm điều khiển sự ra hoa các loài thuộc giống này (trừ một số rất ít ra hoa theo mùa).
Cattleya là loài thực vật sống phụ sinh do đó việc bón phân cho lan bằng phương pháp phun sương thì hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp tưới thẳng vào giá thể trong chậu. Phân sử dụng là phân bón lá có công thức N:P:K là 30-10-10 được phun theo nồng độ khuyến cáo của từng loại trên nhãn với cường độ là 2 lần/ tuần. Khi các giả hành chớm ra nụ hoa thì sử dụng phân bón có công thức là 10-20-20 với cường độ như trên.
Nếu cây Cattleya của bạn đã đủ sức khoẻ và bắt đầu mọc chồi mới, bạn muốn cho nó trổ bông vào 3 tháng tới thì dùng phân 6-30-30 phun cho cây 2lần/tuần.
Có thể dùng phân vô cơ hỗn hợp với phân hữu cơ với nồng độ loãng hay các sản phẩm phân bón lá có nguồn gốc sinh học như: Rong biển, tinh cá, agostim... rất tốt cho quá trình sinh trưởng của cây. Vitamin B1 với nồng độ 0,01% phun 1lần/tuần cũng có tác dụng thúc đẩy sự tăng trưởng của cây.
Trước mùa nghỉ tăng trưởng của Cattleya 1 tháng, trong tháng 3 nên bón cho lan loại phân 10-20-30 để tạo sự cứng cáp cho cây trong mùa nghỉ tháng 4, và trong tháng 4 nên ngưng tưới hoàn toàn.
Mùa nghỉ của Cattleya: Cattleya là giống lan có mùa nghỉ, ở điều kiện khí hậu Việt Nam ta nên cho cây nghỉ mỗi năm 1 tháng. Mùa nghỉ của Cattleya ở các tỉnh phía Nam là trong suốt tháng 4, các tỉnh ở phía Bắc trong tháng 1, các tỉnh từ Thuận Hải đến Thừa Thiên Huế thì mùa nghỉ trong tháng 8.
Trong mùa nghỉ, cây không đòi hỏi dinh dưỡng và không tưới nước (vì thế mùa này nên để cây vào chỗ khô và mát) nên chỉ duy trì lượng nước đủ để cây sống, tăng độ che sáng lên 10% và nhiệt độ thích hợp trong mùa nghỉ càng thấp càng tốt, khoảng 100C cho vùng lạnh và 250 C cho vùng nóng.
Thay chậu và nhân giống Cattleya :
Lan Cattleya phát triển rất nhanh do đó việc thay chậu phải được thực hiện tối đa là sau 2 năm kể từ lúc trồng. Việc thay chậu nên tiến hành đồng thời với việc nhân giống. Khi quan sát thấy giả hành bắt đầu mọc ra khỏi mép chậu thì nên thay chậu. Việc thay chậu tốt nhất nên tiến hành vào đầu mùa mưa thì cây sẽ phát triển rất mạnh.
Nên cắt tách cây vào lúc 4 tháng trước mùa nghỉ và để nguyên tại chỗ, trét sơn vào vết cắt và phun hỗn hợp BA 1ppm +vitamin B1 20mg/l. Khi đến mùa nghỉ mỗi cây tách sẽ có một giả hành trưởng thành để chịu đựng trong mùa nghỉ, khi mùa mưa đến ta tách mỗi cây và đem trồng sang chậu mới.
Muốn thay chậu Cattleya ta ngâm chậu vào một chậu nước có pha thuốc trừ rêu, trong vòng từ nửa giờ đến 1giờ các rễ sẽ tróc ra. Dùng kéo nhọn đã khử trùng cắt bỏ những rễ thối và những rễ quá dài chỉ chừa lại một đoạn 10cm. Cuối cùng cột chặt cây lan vào chậu mới và đặt chậu vào chỗ ẩm mát cho đến khi ra rễ. Lúc đó mới bắt đầu cho giá thể vào chậu và đưa chậu về vị trí cũ. Có thể dùng dung dịch NAA 1ppm phun vào giai đoạn đầu.
Lan Cattleya có thể nhân giống bằng cách tách chiết 3 giả hành một, nếu tách chiết dưới 3 giả hành thì cây sẽ phát triển rất yếu. Nếu Cattleya bị bệnh thì mắt trên căn hành sẽ bị thối đi, cây sẽ không tạo chồi ngọn và sự tạo thành chồi bằng hạt gạo hình thành trên giả hành nơi tiếp xúc với căn hành cây sẽ rất yếu và khó có thể ra hoa được.

Ks. Nguyễn Trung Ái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét